Là người thi hành công vụ khi thời điểm có dịch
Theo luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM), theo hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, người có hành vi dùng vũ lực, de dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 bị xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 BLHS.
Trong trường hợp trên, ông Hà Ngọc Gia - nhân viên bảo vệ khu dân cư Phú Mỹ - đang thi hành các nhiệm vụ được UBND phường Phú Mỹ, ban điều hành khu phố và công ty chủ quản giao nhắc nhở người dân không ra ngoài khi không thật sự cần thiết, đeo khẩu trang và cấp tụ tập quá hai người, bảo đảm yêu cầu giãn cách tối thiểu 2 mét giữa người với người theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Gia là nhân viên của
dịch vụ bảo vệ chung cư, không phải là công chức, viên chức, người trong lực lượng vũ trang nhân dân… nhưng ông được UBND giao nhiệm vụ liên quan đến việc phòng chống dịch COVID-19.
Luật sư Thanh cho biết hiện nay ở các UBND phường/xã thường lập ra các ban phòng chống dịch COVID-19. Ban quản lý, bảo vệ chung cư, khu dân cư thường là thành viên trong ban phòng chống dịch, được giao nhiệm vụ đo thân nhiệt, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, rửa tay...
Các yêu cầu không tụ tập đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng... là các biện pháp cần thiết nhằm phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành để bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng.
Còn nhiều ý kiến trái chiều
Trái lại, luật sư Trần Văn Thanh (Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng hiện nay Bộ luật tố tụng hình sự chưa định nghĩa, hướng dẫn thế nào là "người thi hành công vụ". Ngay cả luật cán bộ, công chức cũng không có định nghĩa cụ thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau.
Theo khoản 2 điều 3 Luật bồi thường trách nhiệm nhà nước 2017, người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án.
Còn theo khoản 1 điều 3 nghị định 208/2013/NĐ-CP thì đưa thêm viên chức vào nhóm người thi hành công vụ.
Cụ thể, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Văn bản hướng dẫn số 45 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn về các hành vi liên quan đến phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên xét về hiệu lực văn bản pháp luật thì nghị định, hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán không thể quy định trái luật... Do đó chỉ những người được quy định tại khoản 2 điều 3 của Luật bồi thường trách nhiệm nhà nước mới được coi là người thi hành công vụ...
Từ đó luật sư cho rằng nhân viên bảo vệ trong trường hợp này không phải là người thi hành công vụ.
Nguồn: TuoiTre Online